52/2 Út Tịch, Phường 4, Quận Tân Bình. TP.HCM Hotline: 0915 797 718 -09876 09818

Phan Thiết là một thành phố ven biển và là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận, Việt Nam.

Địa lý Phan Thiết

Vị trí địa lý

Thành phố Phan Thiết nằm ở trung tâm tỉnh Bình Thuận, cách thủ đô Hà Nội 1.500 km về phía nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 200 km về phía đông, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 175 km về phía đông bắc, cách thành phố Nha Trang khoảng 240 km về phía tây nam theo Quốc lộ 1A. Thành phố có hình cánh cung trải dọc bờ biển dài 57,4 km từ phía bắc Mũi Kê Gà lên đến Mũi Né.

Địa giới hành chính thành phố:

  • Phía đông giáp biển Đông
  • Phía tây giáp huyện Hàm Thuận Nam
  • Phía nam giáp biển Đông và huyện Hàm Thuận Nam
  • Phía bắc giáp huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Bắc Bình.

Sông Cà Ty chảy qua trung tâm thành phố, chia khu vực trung tâm thành 2 ngạn:

  • Phía nam sông: khu thương mại, điển hình là Chợ Phan Thiết, cảng Phan Thiết.
  • Phía bắc sông: gồm các cơ quan hành chính và quân sự của tỉnh Bình Thuận; khu trung tâm mới của Phan Thiết đang được xây dựng tại khu vực phường Phú Thủy và Xuân An trên một diện tích 300ha gồm các tòa cao ốc hành chính mới, liên hợp trung tâm thương mại, nhà thi đấu mới tỉnh Bình Thuận, khu dân cư mới sức chứa 50,000 người cùng nhiều công viên, các khu dịch vụ và trường học.

Địa hình Phan Thiết

Phan Thiết có địa hình tương đối bằng phẳng, có cồn cát, bãi cát ven biển, đồi cát thấp, đồng bằng hẹp ven sông. Có 3 dạng chính:

  • Vùng đồng bằng ven sông Cà Ty.
  • Vùng cồn cát, bãi cát ven biển. Có địa hình tương đối cao.
  • Vùng đất mặn: ở Thanh Hải, Phú Thủy, Phú Trinh và Phong Nẫm.

Lịch sử

Nguồn gốc tên gọi

Có một số giả thiết về tên gọi của Phan Thiết và phần lớn đều chấp nhận rằng, “Phan Thiết” không phải là một cái tên thuần Việt:

  • Khi chưa có người Việt định cư, người Chăm gọi vùng đất này là “Hamu Lithít” – “Hamu” là xóm ruộng bằng, “Lithít” là ở gần biển. Khi bắt đầu có người Việt định cư, vẫn chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Lâu dần, âm cuối “Lithit” lại được gắn liền với âm “Phan” tách từ phiên âm của tên hai vùng Phan Rang, Phan Rí mà thành ra Phan Tiết (tên gọi ngày xưa) và sau này người ta gọi chuẩn với cái tên là Phan Thiết.
  • Người Việt đã phiên âm lại cách gọi tên của người Chăm trước đó: Mang-lang (Phan Rang), Mang-lý (Phan Rí), Mang-thít (Phan Thiết). Ba địa danh này được gọi chung là “Tam Phan”.
  • Po Thit (hoàng tử em của công chúa Po Sah Inư, con của vua Chăm Par Ra Chanh, tức Trà Chanh) đóng đồn trấn ngữ vùng đất này vào thế kỷ XIV được người Việt đọc trại ra mà thành Phan Thiết.

Ngày nay, yếu tố “Phan” còn xuất hiện nhiều trong các địa danh ở tỉnh Bình Thuận như: Sông Phan, Phan Rí Cửa, Phan Rí Thành, Phan Lâm, Phan Sơn…

Lịch sử hành chính Phan Thiết

  • Vùng đất này khi xưa thuộc vương quốc Chămpa, sau này sáp nhập vào Đại Việt. Hành chính được xác lập cùng thời gian hình thành tỉnh Bình Thuận ngày nay, nhưng khi ấy nó chưa được xác định địa giới và cấp hành chính gì.
  • Năm 1697, Bình Thuận lần lượt được đổi từ một trấn lên thành phủ, rồi lên thành dinh, thì Phan Thiết chính thức được công nhận là một đạo (cùng một lượt với các đạo Phan Rang, Phố Hài, Ma Ly vùng Tam Tân). Tuy nhiên, đạo Phan Thiết lập ra nhưng chẳng có văn bản nào chỉ rõ phạm vi lãnh thổ.
  • Từ năm 1773 đến năm 1801, nơi đây thường diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa các lực lượng quân nhà Nguyễn và quân nhà Tây Sơn.
  • Năm 1825, thời Minh Mạng, khi Bình Thuận chính thức trở thành tỉnh, đạo Phan Thiết bị cắt một phần đất nhập vào một huyện thuộc Hàm Thuận (năm 1854, thời Tự Đức, huyện này được đặt tên là huyện Tuy Lý).
  • 1835, tuần vũ Dương Văn Phong thỉnh cầu vua Minh Mạng chuyển tỉnh lỵ của Bình Thuận ở gần Phan Rí (huyện Hoà Đa) lập từ thời Gia Long về đóng ở vùng Phú Tài – Đại Nẫm, huyện Hàm Thuận nhưng vua chưa đồng ý.
  • Năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), Thị Lang Bộ Hộ là Đào Tri Phủ được cử làm việc đo đạc, lập địa bạ trong số trên 307 xã, thôn thuộc hai phủ, bốn huyện và mười lăm tổng của tỉnh Bình Thuận để chuẩn định và tiến hành đánh thuế. Đo đạc xong ước định vùng Phan Thiết (thuộc tổng Đức Thắng) có chín địa danh trực thuộc. Bên hữu ngạn sông (sông Cà Ty ngày nay) là các xã Đức Thắng, Nhuận Đức, Lạc Đạo và các thôn Thành Đức, Tú Long. Bên tả ngạn là xã Trinh Tường và các thôn Long Khê, Long Bình, Minh Long.
  • Qua nhiều lần thay đổi các đơn vị hành chính, một số thôn nhỏ sáp nhập thành làng lớn, một số địa danh cũ biến mất như Minh Long, Long Bình (thuộc phường Bình Hưng ngày nay), Long Khê (thuộc phường Phú Trinh ngày nay). Một số thôn, xã khác của tổng Đức Thắng như Phú Tài, Phú Hội, Xuân Phong, Đại Nẫm được xem là ngoại vi của Phan Thiết. Một số địa danh thuộc khu vực Phố Hài (phường Phú Hài ngày nay) như Tân Phú, An Hải, An Hoà, Tú Lâm, Sơn Thủy, Thiện Chính, Ngọc Lâm… thuộc về tổng Hoa An (sau đổi lại là tổng Lại An) của huyện Tuy Định. Một số thôn, xã dọc bờ biển như Khánh Thiện, Thạch Long, Long Sơn (thuộc khu vực Rạng – Mũi Né ngày nay) thuộc tổng Vĩnh An của huyện Hòa Đa.
  • Gần cuối thế kỷ 19, Phan Thiết vẫn chưa được công nhận chính thức là một đơn vị hành chính (cấp dưới) trực thuộc tỉnh Bình Thuận.
  • Năm 1898 (năm Thành Thái thứ muời), tỉnh lỵ Bình Thuận được dời về đặt tại làng Phú Tài ở ngoại vi Phan Thiết. Ngày 20 tháng 10 cùng năm, vua Thành Thái ra đạo dụ xác lập thị xã (centre urban) Phan Thiết, tỉnh lỵ của Bình Thuận (cùng ngày thành lập các thị xã Huế, Hội An, Quy Nhơn, Thanh Hoá, Vinh).
  • Năm 1905, thị xã Phan Thiết cũng vẫn chưa xác định rõ ranh giới. Tòa sứ Bình Thuận (bộ máy thống trị của Pháp) do một công sứ (résident) đứng đầu đặt thường trực tại Phan Thiết.
  • Ngày 4 tháng 11 năm 1910, viên toàn quyền Đông Dương A.Klobukowski ra quyết định về Phan Thiết. Lúc này Phan Thiết chính thức bao gồm 16 làng xã. Bên hữu ngạn sông: Đức Thắng, Thành Đức, Nhuận Đức, Nam Nghĩa, Lạc Đạo, Tú Long; bên tả ngạn sông: Long Khê, Phú Trinh, Trinh Tường, Đảng Bình, Quảng Bình, Thiện Mỹ, Thiện Chánh, Xuân Hoà, An Hải, Sơn Thuỷ (năm làng sau trước đây là thuộc khu vực Phố Hài). Có thêm địa danh mới như Nam Nghĩa, Quảng Bình (dân Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Quảng Bình di cư vào Phan Thiết).
  • Ngày 6 tháng 1 năm 1918, Khâm Sứ Trung Kỳ Charles quyết định Phú Hài (tên gọi mới của Phố Hài) tách ra khỏi Phan Thiết để nhập về lại tổng Lại An của huyện Hàm Thuận. Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy chính quyền ở Phan Thiết. Thị xã Phan Thiết liên tục làm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận từ đó.
Sau năm 1975
  • Sau khi Việt Nam thống nhất (1975), thị xã Phan Thiết được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Thuận Hải, gồm 9 phường: Bình Hưng, Đức Long, Đức Nghĩa, Đức Thắng, Hưng Long, Lạc Đạo, Phú Thủy, Phú Trinh, Thanh Hải.
  • Ngày 15 tháng 12 năm 1977, chuyển xã Hàm Hải thuộc huyện Hàm Thuận về thị xã Phan Thiết quản lý.[4]
  • Ngày 13 tháng 3 năm 1979, thành lập xã Tiến Lợi từ một phần phường Đức Long và xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận; thành lập xã Phong Nẫm từ một phần phường Phú Trinh; đổi tên xã Hàm Hải thành xã Phú Hải.[5]
  • Ngày 30 tháng 12 năm 1982, chuyển xã Hàm Tiến và thị trấn Mũi Né thuộc huyện Hàm Thuận cũ về thị xã Phan Thiết quản lý; đồng thời chuyển thị trấn Mũi Né thành phường Mũi Né.[6]
  • Ngày 28 tháng 11 năm 1983, thành lập xã Tiến Thành thuộc khu kinh tế mới Khe Cả.[7]
  • Sau khi chia tách tỉnh Thuận Hải đầu năm 1992, thị xã Phan Thiết vẫn giữ là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận ngày nay.
  • Ngày 25 tháng 8 năm 1999, chính phủ Việt Nam quyết định nâng cấp thị xã Phan Thiết thành thành phố Phan Thiết trực thuộc tỉnh Bình Thuận.[8]
  • Ngày 22 tháng 11 năm 2001, chia xã Phong Nẫm thành ba đơn vị hành chính là xã Phong Nẫm, phường Phú Tài và phường Xuân An; chia xã Hàm Tiến thành hai đơn vị là phường Hàm Tiến và xã Thiện Nghiệp; chuyển xã Phú Hải thành phường Phú Hài.[9]
  • Ngày 24 tháng 6 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 890/QĐ-TTg công nhận thành phố Phan Thiết là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Thuận.[1]

Tuy là một thành phố trẻ nhưng theo các nhà nghiên cứu thì “phố cổ” Phan Thiết hình thành trước Nha Trang và Phan Rang.

Dân cư Phan Thiết

Dân cư Phan Thiết chủ yếu là người Việt, có một bộ phận người gốc Hoa sinh sống trong trung tâm thành phố, tập trung nhiều ở phường Đức Nghĩa và Lạc Đạo. Dân số của Phan Thiết theo thống kê của Cục thống kê tỉnh Bình Thuận năm 2016 là 225.897 người. Và theo kết quả điều tra dân số ngày 1/4/2019 dân số thành phố đạt 226.736 người. Mật độ dân số là 1.075 người/km² toàn thành phố, đặc biệt khu vực trung tâm, như Đức Nghĩa, Đức Thắng, Lạc Đạo, Hưng Long, Bình Hưng mật độ dân số trên 25.000 người/ km². Nếu tính cả cư dân vãng lai đang tạm trú làm ăn sinh sống, học tập và lượt khách lưu trú hàng năm tại thành phố Phan Thiết thì đông hơn, vào khoảng trên 350.000 dân. Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên toàn thành phố đạt 0,47% (giai đoạn 2009-2019)

Hiện nay trên địa bàn thành phố Phan Thiết đã và đang hình thành một số khu đô thị cao cấp như khu đô thị Vietpearl City, khu đô thị Ocean Dunes, khu đô thị Phú Tài, khu đô thị Trung tâm thương mại Bắc Phan Thiết, khu đô thị Acenza Villas…

Hành chính

Thành phố Phan Thiết có 18 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 14 phường: Bình Hưng, Đức Long, Đức Nghĩa, Đức Thắng, Hàm Tiến, Hưng Long, Lạc Đạo, Mũi Né, Phú Hài, Phú Tài, Phú Thủy, Phú Trinh, Thanh Hải, Xuân An và 4 xã: Phong Nẫm, Thiện Nghiệp, Tiến Lợi, Tiến Thành.

Nguồn: https://vi.wikipedia.org